02/12/2024
Lượt xem: 137
Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TPST tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng Năm 2024
Thực hiện Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 18/01/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thành phố Sóc Trăng năm 2024. Ngày 29/11 Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TPST phối hợp thanh tra tỉnh Sóc Trăng, đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng Năm 2024 cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức làm công tác liên quan tới công tác Tài chính - Kế toán - Tư pháp - Hộ tịch; Công chức Văn phòng - Thống kê của các phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; phường và Công chức được giao nhiệm vụ thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.
Tại hội nghị, đại diện Thanh tra tỉnh triển khai những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; quyền, nghĩa vụ của người dân trong công tác PCTN. Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe đại diện Thanh tra tỉnh giải đáp những câu hỏi, vướng mắc phát sinh thực tế trong quá trình thực hiện tại cơ sở.
Theo ông Nguyễn Thanh Màu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PBGDPL TPST thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành phố ban hành kế hoạch thực hiện và được các cơ quan đơn vị triển khai đầy đủ, nghiêm túc, các hoạt động được công khai, nhất là chuyển đổi vị trí công tác, công khai kiểm soát tài sản, thu nhập; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các sai phạm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế nhất định. Hoạt động lần này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, bảo đảm mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị được công khai minh bạch; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Nhã Thy